CÔNG TY TNHH GIỐNG CÂY TRỒNG TOÀN CẦU

Tinh hoa hạt giống Việt

CÔNG TY TNHH GIỐNG CÂY TRỒNG TOÀN CẦU ×

Để nông thôn trở thành 'lực hút' lao động chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM.

Trăn trở về vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn, GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành nhiều năm để nghiên cứu thực trạng, thành tựu và hạn chế trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Không dừng lại ở đó, rất nhiều kinh nghiệm của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan... đã được GS.TS Lê Quân đúc rút, từ đó đưa ra một hệ thống quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

I. 

Mặc dù quá trình đô thị hoá và hội nhập kinh tế đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, tuy nhiên lao động vẫn tập trung ở nông thôn và tăng dần theo các năm. Cụ thể, theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn gần 36,7 triệu người, chiếm gần 67% lực lượng lao động cả nước. Điều này tiếp tục gây sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Sự di cư của lao động nông thôn gây tình trạng thiếu việc làm cho thành thị, đồng thời gây thiếu hụt lao động ở nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2020 khoảng 9,82%, cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên (2,25%), phần lớn tập trung ở lao động không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị (39,3%). Đây là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Trong khi đó, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngày càng giảm mạnh. Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về nông thôn.

Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề còn thấp.

Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề còn thấp.

Thực trạng này xuất phát từ thực tế khách quan là nông thôn không có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để sử dụng người lao động có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa mất giá, trong khi đó các loại chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp khá đắt đỏ.

Không những vậy, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong nông nghiệp còn gặp khó khăn. Sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn quá ít dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.

Trên thế giới, nhiều quốc gia, ngay cả các quốc gia phát triển vẫn rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ... vì mục tiêu của các nước là duy trì, phát triển lĩnh vực nông nghiệp, không phải là để nông nghiệp cạnh tranh được với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mà để nó tiếp tục tồn tại trong sự cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp đến từ nơi khác, cho dù lịch vực nông nghiệp có thể chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu GDP.

Xét về phương diện quốc gia, nhất là các quốc gia châu Á, nông nghiệp chính là phương thức để tạo nên và giữ gìn bản sắc kinh tế - văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc và vùng lãnh thổ. Nông nghiệp gắn bó hữu cơ với người nông dân và văn hoá nông thôn. Bởi ý nghĩa sâu xa này, Chính phủ các nước đều có chính sách hỗ trợ cho nông dân và bao cấp cho nông nghiệp. Nguyên lý này đã được thừa nhận trong các quy tắc chung về thương mại quốc tế.

II.

Để giải quyết vấn đề lao động, việc làm nông thôn, các nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nhân lực khác nhau, trong đó có một số giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nhân lực nông thôn, tạo cơ sở để triển khai các chính sách với mục tiêu thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển theo hướng đã định của Nhà nước. Đây là những chiến lược đồng bộ, tổng thể về nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu của chiến lược đào tạo nông dân là giúp họ có niềm tin mãnh liệt vào chính mình trước những khó khăn về vật chất và tinh thần để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất, toàn diện nhất vào xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia vào quá trình đào tạo.

Thứ hai, đa dạng hoá các hoạt động đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc cho lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.

Thứ ba, thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển nhân lực nông thôn. Bên cạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp vùng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề và đổi mới chính sách đất đai... Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp vùng nông thôn; có chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn sau đó lan toả về nông thôn.

Thái Lan dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn. Từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng nông thôn. Năm 1968, Hàn Quốc đã ban hành “Luật Phát triển công nghiệp địa phương”, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về nông thôn.

Thứ tư, quan tâm đào tạo nghề cho thế hệ thứ hai của lao động di cư. Trung Quốc coi đây là vấn đề phát triển nhân lực bền vững. Vì dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết với di cư lao động.

Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế là đối tượng này luôn bị thiệt thòi trong nhiều chính sách, trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đối tượng này cần được đào tạo để hoà nhập xã hội nơi thành thị, để có được nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động với năng suất, hiệu quả lao động.

facebook.com.vn/giongtoancau